Trám bít hố rãnh: giải pháp tuyệt vời phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

Chăm sóc răng miệng trẻ em là một vấn đề được rất nhiều quý phụ huynh quan tâm. Có thể các bạn đã bảo vệ răng bé bài bản tại nhà bằng các động tác như: Chải răng 2 lần mỗi ngày, súc miệng nước muối, hạn chế đồ ngọt, không uống sữa vào ban đêm,… nhưng sâu răng ở trẻ vẫn xuất hiện với biểu hiện là các chấm, đường đen nhỏ trên răng. Vậy làm thế nào để có thể ngăn ngừa sâu răng ở trẻ một cách tốt nhất? Chúng ta có đang bỏ lỡ điều gì trong chiến lược phòng ngừa sâu răng cho trẻ nhỏ?

Cấu trúc giải phẫu cơ bản của một chiếc răng

Một chiếc răng bao gồm: Thân răng và chân răng. Tủy răng được bao bọc xung quanh bởi men và ngà răng. Ở mặt nhai của các răng nhất là các răng hàm thường có hố và rãnh. Hố và rãnh là một trong những nơi sâu răng bắt đầu hình thành sớm nhất trên răng. Các bạn có thể quan sát thấy các chấm hoặc các đường màu đen mặt nhai của răng hàm đa số trẻ.

Theo một nghiên cứu dịch tễ ở Hoa Kỳ sâu mặt nhai trẻ em và thiếu niên chiếm tỷ lệ gần 60% trên tổng số sâu răng. Cấu trúc hố rãnh bị tổn thương rất sớm, khoảng 1/3 trẻ lứa tuổi từ 1- 3 đã có sâu răng và tỷ lệ sâu răng mặt nhai chiếm 67%. Trên bộ răng vĩnh viễn, 65% răng số 6 ở trẻ 12 tuổi bị sâu hay đã được hàn. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc bảo vệ hố rãnh răng trẻ em.

Vì sao sâu thường bắt đầu từ hố và rãnh?

Thứ nhất là: Do cấu trúc dễ lưu giữ thức ăn, mảng bám. Các bề mặt nhai có các rãnh (khe nứt) có thể sâu và hẹp, khiến lông bàn chải đánh răng rất khó hoặc gần như không thể chạm tới. Nếu không có chất trám khe nứt, những đường rãnh này có thể trở thành nơi ẩn náu của thức ăn, mảng bám, tạo ra axit và bắt đầu hình thành sâu răng.

Thứ hai là: Do lớp men răng của răng sữa mới mọc lên chưa trưởng thành nên dễ thẩm thấu hơn, do đó dễ bị sâu răng và khả năng chống sâu răng kém. Khi men răng trưởng thành, tính thấm của nó giảm nhờ quá trình mất và tái khoáng, men trở nên bền và chắc hơn. Cho đến khi điều đó xảy ra, thì bạn phải bảo vệ bề mặt của răng mới mọc để nâng cao tuổi thọ.

Tóm lại, bản chất men răng yếu cộng với hố rãnh sâu chính là nơi đọng thức ăn mà vệ sinh thông thường hằng ngày không làm sạch hết được. Đây cũng là khác biệt trong dự phòng sâu răng của trẻ em khác với người lớn.

Trám bít hố rãnh – phương án tối ưu nhất để bảo vệ răng

Trám bít hố rãnh là phủ 1 loại vật liệu lên các hố rãnh của răng có tác dụng ngăn ngừa thức ăn, mảng bám bám vào hố rãnh từ đó ngăn ngừa sâu răng. Thủ thuật không gây đau cho trẻ, có thể dễ dàng thực hiện mà hiệu quả ngăn ngừa sâu răng lại rất cao.

Những răng và trường hợp nào nên trám bít hố rãnh?

Trám bít hố rãnh nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Thứ tự ưu tiên trám bít hố rãnh như sau: Đầu tiên là răng cối lớn vĩnh viễn mới mọc (răng số 6,7), tiếp theo là răng tiền cối mới mọc, hố các răng cửa vĩnh viễn và cuối cùng là răng hàm sữa ở trẻ em 3 – 4 tuổi.

Lưu ý: Trám bít hỗ rãnh chỉ áp dụng trên răng chưa có tình trạng sâu. Nếu răng đã sâu thì giải pháp tối ưu nhất vẫn là hàn răng.

Vật liệu trám bít hố rãnh là gì? Có an toàn cho trẻ không? 

Vật liệu trám bít hố rãnh là Sealant – một lớp nhựa (plastic coating) trong hay có màu, dán lên men răng giúp ngừa sâu răng. Sealant bảo vệ các mặt răng có hố rãnh, đặc biệt là mặt nhai ở các răng sau – những nơi hay bị sâu răng ở trẻ em và cả người lớn. Chất bịt kín chảy vào tất cả các hệ thống rãnh và đưa mọi thứ đến một mặt phẳng đồng đều, giúp việc vệ sinh dễ dàng hơn cũng như ngăn thực phẩm bị mắc kẹt trong các rãnh này.

Hiện nay chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy sealant có ảnh hưởng tới sức khỏe. Sealant là một trong những phương pháp tối ưu nhất của nha khoa để ngăn ngừa sâu răng và bạn có thể yên tâm rằng lợi ích của chúng vượt xa mọi nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng chúng.

Quy trình trám bít hố rãnh 

Đầu tiên bác sĩ sẽ khám để đánh giá và đưa ra các chỉ định trám bít hố rãnh phù hợp với từng trẻ. Không phải răng nào cũng cần phải trám bít hố rãnh.

Quy trình trám bít hố rãnh cơ bản mà các bạn có thể tham khảo:

Thứ 1: Đánh bóng

Đánh bóng bề mặt trám bằng chổi và bột Bio, đảm bảo không còn bất kỳ mảng bám hay vụn thức ăn nào nằm trong hố rãnh. Từ đó tăng khả năng bám dính cho sealant cũng như tăng khả năng chống sâu răng.

Thứ 2: Etching men

Bôi Etching lên bề mặt men được dán, phủ rộng ra hết vùng rìa của chất trám bít. Tạo các mối vi lưu cơ học cho vật liệu trám.

Thứ 3: Rửa 

Rửa sạch etching dưới tia nước thật kỹ từ 1-2 phút, đảm bảo lấy sạch hết etching, tạo điều kiện cho bám dính sau này.

Thứ 4: Đặt vật liệu

Bơm sealant lên bề mặt đã xói mòn bằng etching. Dùng thám trâm vuốt sealant để ngăn tạo bọt và tăng tính chảy vào hố rãnh, tránh thiếu sót các hố rãnh không được phủ đến nơi.

Thứ 5: Chiếu đèn

Chiếu đèn 20s nhằm trùng hợp sealant chuyển từ dạng lỏng sang dạng cứng chắc, bám chặt vào bề mặt hố rãnh.

Kết quả: Toàn bộ hố rãnh sâu đã được phủ sealant

Vậy sealant này có thể tồn tại bao lâu?

Tác dụng phòng ngừa của sealant là do tính dính của nó trên men và bít các hố, rãnh. Chừng nào sealant còn nguyên vẹn thì sâu răng không phát triển bên dưới, do đó sự giảm tỷ lệ sâu răng còn tùy thuộc vào sự lưu giữ của sealant.

Sau khi được đặt, sealant có thể tồn tại trong nhiều năm, tuy nhiên chúng được đặt ở những khu vực chịu lực cao (bề mặt nhai) do đó có thể bị mòn theo thời gian. Sealant dễ bị bong nhất là trong 12 tháng đầu. Những răng đã qua giai đoạn trên thường chịu được từ 5 -10 năm và có thể còn hơn nữa.

Điều quan trọng là bạn phải thường xuyên đưa trẻ đi kiểm tra răng miệng vì nha sĩ điều trị sức khỏe răng miệng có thể kiểm tra chúng và quyết định xem cần bổ sung hay thay thế sealant hay không.

Trên đây là chia sẻ của tôi về phương pháp trám bít hố rãnh có tác dụng dự phòng trong việc ngăn ngừa sâu răng ở trẻ. Mặc dù công dụng của trám bít hố rãnh là rất tuyệt vời, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là vệ sinh răng miệng hằng ngày cho trẻ. Nếu trẻ không được vệ sinh răng miệng thường xuyên thì mọi phương pháp dự phòng sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa. Hi vọng thông tin bài viết hữu ích với quý phụ huynh.


Gọi tư vấn

Địa chỉ
Nhận khuyến mãi
Zalo